Theo hãng nghiên cứu và tư vấn thị trường kỹ thuật số Gartner (Mỹ), năm 2024 tiếp tục sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ của AI. Gartner cho rằng, AI sẽ tạo ra 10% tổng số dữ liệu của thế giới vào năm 2025. Trong khi đó, Goldman Sachs nhận định, AI có thể góp phần giúp GDP toàn cầu tăng lên 7% trong 10 năm tới, tác động to lớn đến các doanh nghiệp và toàn xã hội.

XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ MỚI VÀ NHỮNG KHOẢN ĐẦU TƯ TRĂM TRIỆU ĐÔ

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết Việt Nam hiện đã có khoảng 3.800 startups, và 11 startups được định giá trên 100 triệu USD. Hiện có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo… Hệ sinh thái của Việt Nam đã có sự bứt phá, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN (sau Singapore và Indonesia). Đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã có 4 kỳ lân (định giá trên 1 tỷ USD) gồm: VNG, VNPay, Momo và Sky Mavis.

Trong số các xu hướng công nghệ mới như kể trên, Việt Nam có lợi thế và đứng cùng điểm xuất phát với các nước trên thế giới ở nhiều công nghệ mới như Blockchain, AI, Metaverse, Healthtech, Fintech, hay Edtech… Điều này thể hiện ở con số nguồn vốn và số thương vụ đầu tư vào startup Việt khi số vốn rót startup Việt Nam năm 2021 chiếm 13% tổng đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, tăng so với mức 8% của năm 2020, đứng thứ 3 về cả tổng giá trị và số thương vụ đầu tư vào startup trong khu vực, sau Indonesia và Singapore (theo báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures vừa công bố tháng 4/2022).

Trong đó, thanh toán và thương mại điện tử vẫn là hai ngành đứng đầu trong việc thu hút vốn đầu tư, điển hình là việc nền tảng thương mại điện tử Việt Nam Tiki (sàn thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng Robot tự động vào quy trình kho vận, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa) đã huy động thành công 258 triệu USD trong vòng gọi vốn do AIA dẫn đầu (cuối năm 2021).

Ngành trò chơi trực tuyến (gaming) đã vươn lên vị trí thứ ba trong số các ngành được đầu tư nhiều nhất nhờ vào sự thành công trên toàn cầu của Sky Mavis cùng sản phẩm Axie Infinity (khi trong năm 2021 công ty này đã gọi vốn hàng trăm triệu USD và trở thành kỳ lân trong lĩnh vực công nghệ Blockchain của Việt Nam).

Báo cáo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, cũng cho biết đại dịch Covid-19 tạo nên sự bùng nổ về lượng giao dịch ở một số ngành mới, từ đó dẫn đến mức tăng trưởng vượt bậc về số tiền đầu tư trong những lĩnh vực này. Ba ngành nổi bật nhất bao gồm y tế, giáo dục, và chuyển đổi số trong doanh nghiệp với mức tăng trưởng trong năm 2021 lần lượt là 1.016%, 526%, và 205%.

Tổng số giao dịch của các thương vụ trên 10 triệu USD vượt mức 1 tỷ USD, tăng 255% so với năm trước. Trong khi nguồn vốn chảy vào vòng seed tăng lên mức cao kỷ lục cả về số lượng và giá trị thương vụ, thì nguồn vốn chảy vào các vòng sau series A đã trở về mức trước Covid-19. Năm 2021 chứng kiến sự xuất hiện của 5 giao dịch trị giá trên 100 triệu USD trong các lĩnh vực thanh toán, thương mại điện tử và gaming.

Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam sẽ có một tương lai đầy hứa hẹn khi hiện có hàng chục công ty với định giá vài trăm triệu USD đang phát triển mạnh mẽ và sẽ sớm trở thành những kỳ lân mới trong những năm tiếp theo.

Trong một báo cáo danh sách các doanh nghiệp startup sáng tạo, tăng trưởng nhanh và có tham vọng thành kỳ lân cách đây chưa lâu, Ngân hàng HSBC nhận định Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore. Với dân số trẻ, năng động và có trí thức, độ phủ mạng Internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ, biến đất nước này trở thành cái nôi phát triển của những kỳ lân tiềm năng.

Ông Tình Nguyễn, đồng sáng lập LadiPage, cho rằng Việt Nam hiện có hơn 300 công ty khởi nghiệp sáng tạo, điều này đang giúp Việt Nam thuộc top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp năng động sáng tạo nhất khu vực châu Á. Ngoài ra Việt Nam cũng đang tập trung vào 3 nhóm ngành khởi nghiệp có mức tăng trưởng cao: chăm sóc sức khỏe; công nghệ tài chính; công nghệ bán lẻ; 4 trụ cột khởi nghiệp: kinh doanh; con người; xã hội; công nghệ khác.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, công nghệ sáng tạo sẽ tạo ra tăng trưởng phi thường cho các mô hình kinh doanh, tăng trưởng kinh tế nếu bám đúng trọng tâm 3 xu hướng: chuyển đổi số (với công nghệ điện toán đám mây (cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G, Internet vạn vật (IoT)…); công nghệ hóa tự động trong sản xuất, công nghệ bồi đắp vật liệu (in 3D), dữ liệu lớn (Big Data)…); khoa học trong sức khỏe và cuộc sống (ngành công nghệ sinh học (Biotechnology), dịch vụ y tế (Healthcare); chế phẩm (vaccine)…

Cụ thể, các công nghệ kết nối kỹ thuật số, được hỗ trợ bởi 5G và Internet vạn vật (IoT), có tiềm năng thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Công ty tư vấn McKinsey nhận định việc triển khai các kết nối nhanh hơn trên nền tảng di động, trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, sản xuất hay bán lẻ có thể giúp GDP toàn cầu tăng thêm từ 1.200 tỷ USD đến 2.000 tỷ USD. Và khả năng kết nối và truyền tải tốt hơn sẽ thúc đẩy những thay đổi lớn trong lĩnh vực từ kinh doanh đến sản xuất (thông qua điều khiển không dây các công cụ điện tử, máy móc và robot).

Cũng theo McKinsey, khoảng một nửa tổng số công việc hiện có có thể được tự động hóa trong vài thập niên tới, khi quá trình tự động hóa cấp độ cao, kết hợp công nghệ thực tế ảo, trở nên phổ biến hơn. Đến năm 2025, hơn 50 tỷ thiết bị sẽ được kết nối với Internet vạn vật công nghiệp (IoT). Robot, các thiết bị tự động hóa, in 3D… sẽ tạo ra khoảng 79,4 zettabyte (79,4 tỷ terabyte) dữ liệu mỗi năm.

Trong một thế giới 4.0, toàn cầu hóa chuyển đổi số và tất cả mọi thứ đề được dữ liệu hóa, cho đến những công nghệ hoàn toàn mới như Blockchain, Metaverse, Web 3.0… thì cơ hội không dành riêng cho một quốc gia nào. Theo các chuyên gia, những công nghệ rất mới sẽ là lợi thế của người trẻ năng động và yêu thích công nghệ như Việt Nam. Ngoài tính “thời thượng” của công nghệ người trẻ Việt dễ bắt nhịp mà bản thân những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng sẽ nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước như: hỗ trợ 100% về giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

Với những lợi thế và tiềm năng trên, doanh nghiệp khởi nghiệp, người trẻ khởi nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội để có thể hiện thực hóa khát vọng “biến đất nước này trở thành cái nôi phát triển của những kỳ lân tiềm năng”, như đánh giá của các tổ chức trong nước và nước ngoài.

Tuy đạt những kết quả nêu trên, nhưng lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ số có giá trị gia tăng của sản phẩm dịch vụ công nghệ số ở mức thấp, năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển và làm chủ các công nghệ mới còn kém. Mặt khác, các đơn vị trong lĩnh vực này chưa chú trọng phát triển chất lượng, thương hiệu sản phẩm dịch vụ; thiếu định hướng công nghệ và hệ sinh thái công nghệ; thiếu tài nguyên dữ liệu chất lượng và nền tảng chia sẻ, khai thác dữ liệu chưa hiệu quả...

Nhiều doanh nghiệp công nghệ số vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính không đủ lớn, khó khăn trong việc đầu tư cho các sản phẩm, nền tảng công nghệ mới hay các giải pháp số. Khi bị phụ thuộc vào nguồn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước sẽ thua thiệt, tác động chung đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp công nghệ Việt Nam.

Đáng chú ý, đầu ra của ngành công nghiệp công nghệ số phần lớn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, các sản phẩm phần cứng, phần mềm, nội dung số, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Các doanh nghiệp công nghệ số đang phải đối mặt với sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận được dữ liệu của các đơn vị, cơ quan tổ chức để phát triển sản phẩm, dịch vụ, dẫn đến việc thiếu tư liệu sản xuất (dữ liệu) và làm cho các doanh nghiệp công nghệ số gặp khó khăn trong việc phát triển sản xuất. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong nước vừa là lợi thế, nhưng cũng dễ mất lợi thế về nhân lực giá rẻ, trong khi nhân lực chất lượng cao chưa được hình thành...

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của phát triển công nghệ số trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự quyết tâm phát triển công nghiệp công nghệ số.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) đã chỉ rõ định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh. Mục tiêu đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhà nước, các bộ, ngành liên quan cần có những chính sách, quy định cụ thể cho việc xây dựng, vận hành và duy trì cơ sở dữ liệu về chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số Make in Vietnam. Có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số, như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, ưu đãi vay vốn... Bên cạnh đó, cần có chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số Make in Vietnam thông qua các tiêu chí thống nhất cho nền tảng chuyển đổi số quốc gia hay các nguyên tắc, tiêu chí xác định nền tảng số, sản phẩm dịch vụ công nghệ số Việt Nam cần hạn chế sở hữu nước ngoài.

Các doanh nghiệp công nghệ số phải lấy chất lượng và thương hiệu Make in Vietnam làm nền tảng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và luôn có lực lượng tiếp nối. Nhà nước cần ưu tiên bố trí ngân sách cho sử dụng sản phẩm dịch vụ số, đồng thời có các chính sách, gói kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, tiếp cận về công nghệ số. Tăng cường kết nối, xúc tiến hợp tác quốc tế để tìm kiếm thị trường mới. Hiện nay, nguồn tài nguyên dữ liệu dùng chung của quốc gia đang dần hình thành, chuẩn hóa và chia sẻ, các doanh nghiệp công nghệ số tập trung triển khai hoạt động sản xuất, thương mại ưu tiên hạ tầng số, dịch vụ số và nội dung số.

Theo Izvestia, từ đầu thế kỷ 19, xe chạy bằng nguồn năng lượng điện đã có vị thế cạnh tranh so xe chạy bằng động cơ hơi nước. Vào những năm 1832-1839, Robert Anderson (Scotland) đã phát minh ra loại xe điện chuyên chở đầu tiên. Năm 1842, hai nhà phát minh người Mỹ là Thomas Davenport và Scotsmen Robert Davidson trở thành những người đầu tiên đưa pin vào sử dụng cho ô-tô điện. Đến năm 1865, Camille Faure thành công trong việc nâng cao khả năng lưu trữ điện trong pin, giúp cho xe điện có thể di chuyển một quãng đường dài hơn. Vào thế kỷ 18, Pháp và Vương quốc Anh là hai quốc gia đầu tiên đưa ô-tô điện vào phát triển trong hệ thống giao thông. Đến đầu thế kỷ 20, xe điện trở nên yếu thế so ô-tô sử dụng động cơ đốt trong do không cạnh tranh được về chi phí nguyên liệu và giá thành chế tạo. Đến năm 1935, xe điện đã gần như biến mất.

Bắt đầu từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, thế giới phải đối mặt hai vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Các nguồn năng lượng hóa thạch như dầu mỏ, than đá bắt đầu cạn kiệt; môi trường ngày càng ô nhiễm, trong đó nguồn phát thải lớn là từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là ô-tô chạy bằng xăng. Trong bối cảnh đó, xe ô-tô điện được xem là giải pháp tối ưu giúp giải quyết cả 2 vấn đề này. Đó là lý do khiến xe điện ngày càng được quan tâm đặc biệt từ nửa sau thế kỷ 20 trở lại đây. Hiện trên thị trường đang lưu hành 3 loại xe điện chính: BEV (Battery Electric Vehicle), bao gồm các xe chạy hoàn toàn bằng điện; PHEV (Plug-in Hybrid Electric Vehicle), xe sử dụng song song động cơ điện và xăng, dầu; HEV (Hybrid Electric Vehicle), xe hybrid, sử dụng động cơ xăng thông thường làm nguồn năng lượng chính, nhưng cũng được động cơ điện vận hành đến một mức độ nào đó.

Công ty chuyên phân tích dữ liệu GlobalData tại Mỹ cho biết, lĩnh vực xe điện trên thế giới dự kiến mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 15,9% giai đoạn 2023-2035, khẳng định thị trường xe điện thương mại và xe điện chở khách sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Trong đó, số lượng ô-tô điện chạy bằng pin được dự báo sẽ đạt khoảng 44 triệu chiếc vào năm 2035, vượt nhiều lần so con số gần 7,3 triệu chiếc ô-tô điện được bán vào năm 2022. Hồi tháng 10/2023, hãng phân tích thị trường Canalys cũng đưa ra báo cáo ghi nhận thế giới đã tiêu thụ 6,2 triệu xe điện các loại, cao hơn 49% so cùng kỳ năm 2022. Trong phân khúc xe dân dụng hạng nhẹ, các dòng xe điện chiếm 16% thị phần, cao hơn rất nhiều so con số 12,4% trong nửa đầu năm 2022.

Ở Liên minh châu Âu (EU), hãng xe Jaguar lên kế hoạch chỉ bán xe điện từ năm 2025, hãng Volvo là từ năm 2030 và hãng xe Lotus (Anh) đặt mục tiêu chỉ sản xuất xe điện từ năm 2028. Theo Volkswagen, 70% doanh số của hãng sẽ là xe điện kể từ năm 2030. Lượng xe điện bán ra tại thị trường Đức và Anh tăng khoảng 30%, đạt 1,53 triệu xe. Nhiều chính phủ trên thế giới cũng đặt mục tiêu cấm bán ô-tô động cơ đốt trong (chạy bằng nhiên liệu hóa thạch). Sự kết thúc của ô-tô xăng, dầu được cho là “tất yếu” bởi phù hợp với xu hướng “xanh hóa” của thế giới và liên quan nhiều yếu tố khác, trong đó yếu tố quyết định là công nghệ đang diễn ra rất nhanh.

Tại Trung Quốc, ghi nhận doanh số bán xe điện tăng 80%, lên 4,53 triệu chiếc vào năm 2022. Ô-tô điện phát triển mạnh nhất tại Trung Quốc khi trung bình cứ ba ô-tô bán mới thì có một chiếc là xe điện. Nhà sản xuất xe điện lớn nhất tại Trung Quốc BYD là một trong những đối thủ sừng sỏ cạnh tranh với hãng xe điện Tesla (Mỹ) nổi tiếng toàn cầu của tỷ phú Elon Musk. Xếp ngay sau Trung Quốc là thị phần châu Âu với 24% xe điện bán ra trong nửa đầu 2023 và 19% tổng số ô-tô bán mới tại “lục địa già”. Đứng thứ ba về sự phát triển của ô-tô điện là tại thị trường Mỹ. “Xứ cờ hoa” chiếm xấp xỉ 13% thị phần ô-tô điện toàn cầu và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tesla tiếp tục là nhà sản xuất ô-tô điện số một tại Mỹ. Trang Fast Company nhận định trong cuộc chiến giá cả, Tesla chiếm ưu thế tuyệt đối nhờ hệ thống dây chuyền, công nghệ sản xuất hoàn thiện, mô hình kinh doanh không qua các đại lý phân phối và nguồn hàng dồi dào.

Bên cạnh những “ông lớn” ngày càng phát triển thị phần ô-tô điện ra toàn cầu như BYD, Tesla... năm 2023 cũng chứng kiến một số nhà sản xuất có những bước tiến đáng kể về ô-tô điện, trong đó Tata Motors mạnh mẽ vươn lên dẫn đầu về xe điện tại thị trường Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới (doanh số 30.000 xe trong nửa đầu năm 2023). Trong khi đó, doanh số xe điện MG hiện đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á và thị trường Ấn Độ, thứ ba tại Australia, thứ nhất tại Anh.

Tại thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là tại Singapore, xe ô-tô điện có sự phát triển đột phá, định hướng trong tương lai tại quốc gia này là kế hoạch loại bỏ dần xe ô-tô chạy bằng xăng, dầu vào năm 2040. Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực này chủ yếu là do điện khí hóa ngành vận tải toàn cầu, khi thế giới chuyển sang các phương tiện thay thế carbon thấp cho các phương tiện động cơ đốt trong truyền thống. Ở nhiều quốc gia và khối ASEAN, thời hạn đã được áp đặt cho việc loại bỏ hoàn toàn các phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Chuyên gia năng lượng tại GlobalData A.Saibasan nhận định, giá xăng càng tăng thì cơ sở hạ tầng xe điện càng phát triển, gồm số lượng trạm sạc, trung tâm bảo trì và cơ sở liên quan xe điện cũng như mối lo ngại về ô nhiễm môi trường là những lý do chủ yếu thúc đẩy sự gia tăng việc áp dụng xe điện trên toàn thế giới.

Xe ô-tô điện Tesla Model 3. Ảnh: REUTERS

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), triển vọng toàn cầu về thị phần bán ô-tô điện dựa trên các chính sách hiện hành và mục tiêu đã tăng lên 35% vào năm 2030, tăng từ mức dưới 25% triển vọng trước đó. Dự kiến đến 2035, tổng số xe ô-tô điện trên thế giới sẽ đạt 125 triệu chiếc. Dự kiến năm 2024, giá xe ô-tô điện sẽ cạnh tranh với xe xăng giúp thị trường xe ô-tô điện phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Tất cả những số liệu thống kê về thị trường xe ô-tô điện trong những năm gần đây cho thấy khách hàng đang hướng tới các phương tiện “xanh”, giúp xe điện trở thành một xu thế tất yếu trên toàn thế giới. Các công ty hàng đầu trong làng sản xuất ô-tô cũng đã mạnh tay hơn cho các khoản đầu tư vào thị phần “xanh” để hướng tới tương lai bền vững.

Hiện nhiều hãng xe trên thế giới đã và đang nghiên cứu để ra mắt các mẫu xe ô-tô điện mới hiện đại. Xu hướng dịch chuyển từ sử dụng ô-tô chạy bằng nguyên liệu xăng, dầu sang xe ô-tô điện có rất nhiều lý do, như bảo vệ môi trường. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển thì vấn đề bảo vệ môi trường càng trở nên nan giải, do đó việc lựa chọn và sử dụng xe ô-tô điện không gây ô nhiễm môi trường càng được đánh giá cao.

Tiếp đó là tận dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm chi phí hoạt động. Những mẫu xe ô-tô điện hiện nay hoàn toàn có thể tận dụng từ những nguồn năng lượng tái tạo thiên nhiên như điện mặt trời, điện gió… bảo đảm cung cấp nguồn năng lượng bền vững. Theo giới chuyên gia, chi phí duy trì hoạt động, bảo trì xe ô-tô điện cũng thấp hơn vì động cơ điện sẽ ít hỏng hóc hơn so động cơ đốt trong.

Ô-tô điện chính là xu hướng tất yếu của thời đại với quá trình “xanh hóa” nền kinh tế. Sự chuyển đổi sang xe điện đã và đang thúc đẩy sự phát triển công nghệ trong lĩnh vực ô-tô bao gồm pin, hệ thống điều khiển cùng những công nghệ khác liên quan xe thông minh.